Ở phía Tây Bắc thì dân tộc Mường chiếm đa số với những nét độc đáo vô cùng khác biệt, đặc biệt là trong thiết kế nhà ở. Nếu được dịp du lịch thăm quan nơi đây, bạn sẽ thấy nhà sàn trong thiết kế nhà ở của người Mường không giống với người Thái hay các dân tộc khác.
Chúng mang ý nghĩa tâm linh và văn hóa ở ngay trong cách chọn hướng nhà, dựng nhà cho đến bố trí các vật dụng. Vậy nên dù trải qua hàng trăm, hàng nghìn năm, phong cách thiết kế nhà ở của người Mường vẫn được bảo tồn đến ngày nay.
1. Hướng nhà đóng vai trò gì trong thiết kế nhà ở của người Mường
Trong quan niệm của người Mường, hướng nhà đặc biệt quan trọng. Chọn hướng nhà đúng sẽ đem lại tài lộc cũng như may mắn cho gia chủ và ngược lại. Với người Mường, làm nhà không được ngược với hướng của đồi núi mà phải dựa vào đó.
Thông thường, quá trình chọn hướng nhà cũng được tổ chức thành nghi lễ và do những thầy mo, thầy cúng chủ trì. Họ sẽ giúp gia chủ chọn hướng thích hợp nhất. Gia chủ ở đây là nam giới, người lớn tuổi và trụ cột trong gia đình.
2. Cách bố trí không gian sống trong thiết kế nhà ở của người Mường
Với người Mường, cách bày trí không gian sống cũng rất khác biệt. Nhà sàn thường là những bậc thang lẻ bởi theo quan niệm của họ thì bậc thang số chẵn là điều kiêng kị và không đem lại may mắn cho cả gia đình.
Trong ngôi nhà sử dụng 2 cầu thang: 1 ở trước nhà và 1 ở cửa sau gần với vại nước, bếp để tiện cho việc đi lại, nấu nướng của người phụ nữ. Ở trước nhà, gần lối đi chính, gần cầu thang hoặc gần gốc cây, người Mường có đặt 1 chum nước nhỏ, gáo múc nước bằng ống tre để khách rửa sạch chân trước khi bước lên nhà.
Nhà sàn của người Mường thường được phân chia thành 3 mặt khác nhau. Mặt trên cùng là gác dùng để lưu trữ lương thực và đồ dùng gia đình, cũng là nơi mọi người sinh hoạt, nghỉ ngơi. Gầm sàn được dùng để dụng cụ sản xuất như cuốc, cày và nuôi nhốt gia súc, gia cầm.
Ngoài ra, bạn cũng có thể quan sát được các gian phòng khác nhau của người Mường. Nhà càng nhiều gian chứng tỏ gia đình càng giàu có, khá giả. Gian thứ nhất để tiếp khách, treo những đồ vật linh thiêng như cồng chiêng, trống, cung nỏ, sừng trâu, sừng bò, mũi tên…
Gian tiếp theo ở giữa dành cho đàn ông, con trai. Gian thứ 3 để bày biện, chuẩn bị mâm cơm, chăn màn, quần áo của cả nhà, nơi ở của phụ nữ, trẻ em.
Để ngôi nhà trở nên thoáng mát hơn, nhà sàn Mường được thiết kế rất nhiều cửa sổ hay còn gọi là cửa voóng.
3. Vật liệu và thiết kế nhà ở của người Mường
Vật liệu chính mà bà con sử dụng để xây nhà là cây gỗ, thường là chò chỉ, sến, tàu, đinh, lá, gỗ trai… Chúng không chỉ bền chắc mà còn mang giá trị thẩm mỹ cao. Bên cạnh các chi tiết chính, nhà sàn của người Mường còn sử dụng thêm tre, bương, hóp… để đòn tay, đan vách.
Cột nhà thường làm bằng gỗ tròn hoặc vuông. Chân cột sẽ chôn xuống đất nhưng cũng có nơi dùng hòn đá tảng để kê. Để chân cột không bị mối mọt thì chân cột thường được chôn sâu xuống đất khoảng từ 80cm-1m.
Về thiết kế, nhà của người Mường mô phỏng theo hình con rùa: nhà có 4 chân, 4 cột mái, mái sườn là mái nhà, xương sống là đòn nóc, đầu là cửa chạn. Bởi theo quan niệm tín ngưỡng thì con rùa là vật linh thiêng, biểu tượng của trường tồn vĩnh cửu.
Về hình dáng bề ngoài, nhà có 4 mái, 2 mái trước hình thang cân, 2 mái đầu hồi hình tam giác cân. Về kết cấu thiết kế nhà ở, nhà có 2 vì kèo, 4 cột cái, 8 cột con, giữa 2 đầu cột nối với nhau bằng quết. Trên cùng gác trên đầu các nóc nhà là đòn nóc hay còn gọi là đòn dông.
Hiện nay nhà sàn người Mường vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ xưa, bền chắc, đẹp và rất khoa học trong cách thiết kế nhà ở của người Mường. Đây cũng là minh chứng rõ ràng nhất về cuộc sống, phong tục tập quán của dân tộc Mường. Nếu chưa một lần được tận mắt chứng kiến ngôi nhà sàn huyền thoại của họ, bạn sắp xếp đến miền Tây Bắc ngay nhé!