Dân tộc Tày chiếm khoảng 2% dân số cả nước, tập trung đông nhất tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên… Trải qua lịch sử hàng trăm năm, vật dụng gia đình dân tộc Tày không có nhiều sự thay đổi qua góc nhìn du lịch vì cuộc sống thường gắn bó với thiên nhiên.
1. Vật dụng gia đình dân tộc Tày liên quan đến ẩm thực, phương tiện đi lại
Nguồn lương thực, thực phẩm chính của người Tày là sản phẩm thu được từ hoạt động sản xuất ở vùng rừng, núi, suối… Bao gồm thóc, gạo, ngô, khoai, sắn, đỗ, rau củ, thủy hải sản như cá, tôm, cua, gia súc, gia cầm như trâu, bò, gà, vịt…
Hằng ngày, người Tày thường ăn 2 bữa là cơm trưa và cơm tối với gạo tẻ. Còn gạo nếp thì dùng để làm bánh, đồ xôi. Những ngày giáp hạt thì ngô là lương thực chính. Một số vùng đồng bào họ thích ăn đồ nướng trên than hồng hoặc ủ vào tro nóng. Ngoài rau, đậu, có lúc bữa ăn sẽ có trứng, cá, thịt.
Theo quy định, khi ăn thường sắp thành 2 mâm, 1 mâm dành cho người đàn ông đặt ở giữa bàn thờ tổ tiên, còn 1 mâm dành cho phụ nữ và trẻ em ngồi ở kế bên. Có một số tập quán kiêng kị như không ngồi cùng mâm với bố chồng, anh, em, anh rể chồng…, con rể không ngồi chung mâm với mẹ vợ.
Về đồ uống, họ dùng các loại nước uống từ lá hằng ngày như chè, vối, nhân trần… Ngoài ra có nhiều loại rượu như rượu ngô, sắn hay rượu cẩm… Phụ nữ thường ăn trầu còn đàn ông hút thuốc lào.
Phương tiện vận chuyển trước kia của người Tày là gánh gồng, còn ở xa thì dùng ngựa thồ, xe trâu. Tuy nhiên hiện nay giao thông phát triển thuận lợi hơn thì xe đạp, xe máy là phương tiện phổ biến nhất.
2. Vật dụng gia đình dân tộc Tày qua nhà ở
Về nhà ở, người Tày có 3 loại nhà chính là nhà sàn, nhà đất, nhà phòng thủ. Mỗi loại nhà đều có sự thiết kế và xây dựng khác nhau.
Nhà sàn
Là loại nhà phổ biến nhất của người Tày. Nhà có gỗ kê đá, lợp bằng lá cọ, phên vách bằng nứa đan. Nếu nhà nào điều kiện hơn thì gỗ kê đá, cột, xà đều bằng gỗ tứ thiết, được bào nhẵn, ghép mộng cầu kỳ. Mái lợp bằng lá cọ hay lợp ngói âm dương.
Nhà chia thành 3-5-7 gian khác nhau tùy diện tích. Nhà người Tày cũng có sân phơi nhỏ như 1 công trình phụ với tòa nhà chính. Nó dùng để phơi quần áo, phơi lương thực ngô, khoai, sắn…
Bên cạnh sân nơi dựng cầu thang lên nhà có đặt 1 vại nước to cho khách và các thành viên rửa chân trước khi lên.
Nhà đất
Về kỹ thuật xây thì cũng giống như nhà sàn. Nhà thường có 3 gian, 2 chái, 1 bên chái làm kho, 1 bên để đun nấu. Phía trước có sân phơi thóc và quần áo.
Mặt trước của nhà chính có cửa lớn ra vào và cửa sổ. Gian hồi cạnh vách có 1 cửa phụ thông xuống bếp. Vì đây là loại nhà tổng hợp nên cách bố trí chia thành 2 phần gồm gian buồng và phòng ngoài. Giữa các gian có vách ngăn.
Bàn thờ được làm từ vách ngăn gian giữa. Buồng sau bàn thờ dành cho người già. Buồng hai gian bên cho con gái, còn phần ngoài cho con trai và khách. Bếp được bố trí bên cạnh hoặc sau nhà.
Nhà phòng thủ
Được xây theo kiểu pháo đài, xung quanh là nhà phụ, lô cốt với nguyên liệu chính là đất, đá. Trong nhà được chia làm nhiều phòng nhỏ và có nhiều lỗ châu mai. Gian đầu hồi bên phải cho vợ chồng chủ nhà gồm 1 cửa ra, 2 cửa sổ, lỗ châu mai. Gian giữa là bàn thờ tổ tiên, bàn tiếp khách là những vật dụng gia đình dân tộc Tày quan trọng. Gian đầu hồi trái cũng tương tự như bên phải, dành cho con gái phía sau và em nhỏ phía trước.
3. Trang phục chính của người Tày
Hầu hết trang phục của người Tày đều do họ tự làm, từ trồng bông, nuôi tằm, kéo tơ, dệt vải. Đây cũng là vật dụng gia đình dân tộc Tày rất đặc trưng.
Nam nữ người Tày mặc quần áo vải nhuộm chàm, cùng 1 kiểu áo là áo dài 5 thân, quần lá tọa. Đàn ông có thể quấn khăn hay chít khăn kiểu chữ nhân. Phần áo nữ dài tới bắp chân, ống tay hẹp, xẻ nách phải và cài 5 khuy.
Nếu vào dịp lễ Tết, phụ nữ sẽ mặc áo trắng bên trong để phân biệt với người Nùng chỉ mặc áo chàm. Phụ nữ thắt lưng bằng vải lanh, đũi màu xanh đỏ dài khoảng 2 sải tay. Đương nhiên đi kèm với đó là vòng cổ, vòng tay, xà tích bằng bạc, khuyên tai bằng vàng.
Nói chung phụ nữ Tày ăn mặc rất kín đáo, che kín toàn thân, chỉ để hở mặt, tay, chân. Trang phục là màu chàm chủ đạo, không có họa tiết trang trí nhưng vẫn rất duyên dáng.
Trang phục của trẻ em về cơ bản cũng giống người lớn nhưng có phần đơn giản hơn. Bé trai và bé gái đều mặc quần thủng trôn, nẹp áo đính khuy vai hay dải vải để tiện buộc lại. Nhằm tránh dịch bệnh, ma quỷ quấy nhiễu, trẻ thường đeo các loại vòng cổ, vòng tay hoặc vòng chân phù hợp.
Mũ cũng là trang phục đặc trưng của các bạn nhỏ ở đây. Chúng được ghép từ nhiều mảnh vải nhỏ với những màu sắc khác nhau, trên đỉnh là túm tua vải bông ngộ nghĩnh.
Những vật dụng gia đình dân tộc Tày độc đáo, mới lạ góp phần vào nét văn hóa chung của dân tộc nên cần giữ gìn và phát huy.